image banner
GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ PHƯỜNG PHÚ TÀI

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN VỀ PHƯỜNG PHÚ TÀI

Ngày 22/11/2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2001/NĐ-CP chuẩn y phân chia địa giới hành chính xã Phong Nẫm thành 3 đơn vị hành chính mới là phường Xuân An, phường Phú Tài và xã Phong Nẫm.

Phú Tài là phường nằm ven đô thị, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 1,5km về phía Bắc và Tây Bắc, nối liền với thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hoá khoa học kỹ thuật lớn nhất nước (200km), phường có đường Quốc lộ 1A (khoảng 1,5 km) là tuyến giao thông huyết mạch nối vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên, nên có vị trí thuận lợi cho giao lưu kinh tế, xã hội và tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương phát triển sản xuất; có dòng sông Cà Ty chạy dọc phía Tây Nam là ranh giới tự nhiên của phường kết nối với xã Tiến Lợi. Phía Bắc giáp phường Xuân An, phía Nam giáp xã Tiến Lợi, phía Đông giáp phường Phú Trinh, phía Tây giáp xã Phong Nẫm; nằm trong vùng có khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, vùng ven biển trong năm có hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Lượng mưa thấp, trung bình 1.000 - 1.300 mm/năm và phân bố không đều, tập trung chủ yếu vào mùa mưa chiếm 80 - 90% lượng mưa trong năm.

anh tin bai

Phường có diện tích tự nhiên 289,15 hecta, dân số 23.525 người với 5.917 hộ, địa giới hành chính phường có 6 khu phố, chủ yếu là dân tộc kinh. Thành phần dân cư đa số nhân dân sống bằng nghề lao động biển, lao động phổ thông, một số hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ và làm nghề dịch vụ, bộ phận còn lại là công chức Nhà nước. Trình độ dân trí ngày càng phát triển, nhận thức của người dân ngày càng cao.

Hiện địa phương có các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được Nhà nước công nhận như: 01 cơ sở thờ tự Phật giáo là chùa Phú Sơn; 01 cơ sở Công giáo là Nhà thờ Giáo xứ Văn Thánh; 01 cơ sở xã hội Tổ Ấm Huynh Đệ thuộc dòng mến Thánh Giá Nha Trang và 01 cơ sở tín ngưỡng dân gian. Hầu hết các bà con tín đồ, đồng bào có đạo đều chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước, đóng góp tích cực góp phần phát triển KTXH, QPAN của địa phương, các tập quán sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo mang nhiều nét đặc trưng tín ngưỡng dân gian, bà con các tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo.

Trên địa bàn phường có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, bệnh viện tư nhân Tâm An - Sài Gòn, Trạm Y tế phường; có Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp (thuộc Sở LĐ-TB và Xã hội tỉnh), có Trung tâm pháp y, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố, Đội quản lý Trung tâm truyền tải điện (thuộc Điện lực Bình Thuận) và một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác đóng chân… phục vụ tốt các nhu cầu cần thiết trên các lĩnh vực đời sống xã hội của nhân dân và địa phương.

Cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn phường cũng tập trung khá phong phú như có Trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Bình Thuận, Trường Cao đẳng nghề Bình Thuận, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị thành phố, trường THCS-THPT Lê Lợi, trường THCS Nguyễn Du, trường Tiểu học Phú Tài, trường mẫu giáo Phú Tài… phục vụ tốt nhu cầu giáo dục, đào tạo cho con em của địa phương.

Nhân dân trên địa bàn phường luôn đoàn kết một lòng, tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, đó là một nét đẹp truyền thống đáng trân trọng; địa phương rất có tiềm năng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong những năm tới.

Trước đây, đời sống nhân dân khi chia tách gặp nhiều khó khăn, trình độ hiểu biết còn nhiều hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, vẫn còn hộ nghèo. Những năm gần đây, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phường thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kinh tế - xã hội của địa phương đã có bước phát triển mạnh mẽ; Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; An ninh chính trị - Trật tự An toàn xã hội luôn được giữ vững. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên.

 

Bài, ảnh: Minh Đăng.

 

Tin liên quan
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập